(Dân trí) - Bác sĩ Trịnh Văn Minh, chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ cho biết, nâng mũi cần gây mê hay gây tê, chỉnh sửa thế nào mới đảm bảo an toàn, thẩm mỹ sẽ tùy vào hình dáng, cấu trúc mũi, khuôn mặt, nên thực hiện ở cơ sở uy tín.
Theo bác sĩ Minh, nâng mũi sẽ bắt buộc gây mê khi dùng sụn tự thân (sụn sườn) dùng làm đầy, nâng cao dáng mũi. Với các phương pháp nâng mũi khác như nâng mũi cấu trúc sụn tai, mũi bọc sụn… thì chỉ cần gây tê là đủ. Thời gian can thiệp phẫu thuật từ 1-3h hoặc lâu hơn tùy tình trạng mũi, độ khó, cũng như tay nghề của bác sĩ.
Bác sĩ Minh cho biết, cũng có thể sử dụng tiền mê ban đầu để đưa khách hàng vào trạng thái lơ mơ nhưng vẫn tỉnh. Việc này giúp khách hàng không có cảm giác đau lúc tiêm thuốc tê và sau khi đã gây tê. Tiền mê trong lúc gây tê là phương pháp an toàn, không có nguy cơ rủi ro như gây mê. Đa phần các trường hợp rủi ro khi nâng mũi do phản ứng với thuốc gây mê khi khách hàng thoát mê.
Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ Minh về các phương pháp nâng mũi, cách sửa mũi hỏng và những điều cần lưu tâm khi thẩm mỹ mũi.
Hiện nay có nhiều phương pháp nâng mũi, trong đó có nâng mũi cấu trúc và mũi bọc sụn, đâu là phương pháp phù hợp nhất cho mọi người?
- Lựa chọn phương pháp nâng nào còn tùy thuộc vào nền tảng mũi gốc và nhiều yếu tố khác. Trường hợp khách hàng có nền tảng đầu mũi đủ dài, tương đối phù hợp với khuôn mặt, chỉ thiếu phần sóng thì có thể lựa chọn nâng mũi bọc sụn.
Còn các trường hợp đã can thiệp một lần trước đó bằng phương pháp nâng mũi chỉ, mũi bọc sụn hay cấu trúc… thì nên sử dụng phương pháp nâng mũi cấu trúc để chỉnh sửa các khuyết điểm, tái cấu trúc chiếc mũi về dáng đẹp, phù hợp với khuôn mặt nhất.
Chọn phương pháp nào không quan trọng, điều quan trọng là sự phù hợp và hài hòa với gương mặt của khách hàng. Do đó, tùy từng nền tảng mũi, cấu trúc da, xương và tỷ lệ mặt, bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định cần thiết đảm bảo tính an toàn và thẩm mỹ.
Vì sao có hiện tượng mũi bị đỏ và tụt sụn?
- Tình trạng mũi bị đỏ có 2 nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất, mũi bị viêm nên xuất hiện hiện tượng đỏ, đau, sưng mũi. Cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác dẫn đến hiện tượng này như điều kiện vô trùng, sự cẩn thận của bác sĩ và kỹ thuật viên. Một số khác có thể liên quan tới khả năng tự chăm sóc vết thương tại nhà…. Có không ít trường hợp, các ca nâng mũi xong bị đỏ đầu mũi là do khách hàng làm ở những nơi không uy tín nên dẫn đến các điều kiện phẫu thuật không được đảm bảo.
Nguyên nhân thứ hai, hiện tượng đỏ đầu mũi do da mũi mỏng, mong muốn nâng mũi quá cao, về lâu dài sẽ xuất hiện đỏ da và mỏng da dần. Khi sửa lại cần bọc megaderm và hạ thấp mũi cho vừa phải tự nhiên để đảm bảo tính thẩm mỹ bền vững và ổn định.
Các bạn nên nâng hài hòa với khuôn mặt và nghe theo tư vấn của bác sĩ. Bởi trước khi thực hiện tiểu phẫu nâng mũi, độ cao và dáng mũi được chỉ định dựa trên nền tảng về da, cấu trúc mũi gốc của khách hàng.
Mũi tụt sụn thường gặp khi áp dụng phương pháp nâng mũi cũ là đặt sụn dưới da nên sóng mũi dễ bị chạy xuống, gây ra hiện tượng tụt sụn. Hiện nay có kỹ thuật mới là đặt dưới màng xương. Điều này giúp sống mũi được ôm chặt, ổn định không dễ gây ra hiện tượng tụt sụn hoặc lộ sóng mũi như phương pháp cũ.
Sau khi nâng mũi nhưng mũi bị hỏng hoặc không ưng thì có thể phẫu thuật sửa lại sau bao lâu?
- Thông thường, sau nâng mũi từ 4-6 tháng, các niêm mạc và xương vùng này mới ổn định để can thiệp chỉnh sửa. Khi mũi chưa đủ mềm, dáng mũi chưa ổn định, sẹo co cứng, gây khó khăn khi sửa cũng như để lại nhiều tổn thương và có thể tạo sẹo xấu.
Mũi hỏng sửa lại sẽ khó và mất nhiều thời gian hơn lần nâng đầu tiên. Do đó, trước khi nâng mũi, các bạn cần lựa chọn kỹ các bác sĩ có tay nghề, để ngay từ đầu mũi đã thành công mà không cần sửa lại, hoặc khi muốn chỉnh sửa sẽ có kết quả tốt hơn.
Có nhiều ý kiến cho rằng, dùng sụn tai nâng mũi sẽ bền và tự nhiên hơn, vậy có thể dùng sụn tai để nâng toàn bộ mũi?
- Toàn bộ mũi chúng ta bao gồm phần sống mũi, đầu mũi và cấu trúc trụ mũi. Sụn tai là vật liệu tự thân, nó tương hợp với cơ thể, nên khi cấy ghép vào mũi sẽ cho kết quả lâu bền mà không bị thải loại. Tuy nhiên, sụn tai khá mềm nên nó không phù hợp để làm trụ mũi, bởi cấu trúc mũi đòi hỏi sự vững chắc.
Chính vì thế, chúng tôi thường chọn vật liệu ngoài để đưa vào làm trụ mũi tạo dáng và sự vững chắc. Cấu trúc sụn tai chỉ giúp gia cố thêm sự vững chắc này. Cấu trúc đầu mũi cần sự mềm mại nên dùng sụn tai rất phù hợp.
Về phần sóng mũi, sụn tai không đủ để làm và không phù hợp để tạo hình. Do đó, chúng tôi sẽ dùng vật liệu dễ tạo hình và giữ form dáng đẹp, ổn định theo thời gian như sóng silicon, sóng surgiform hay nanoform….
Bác sĩ có lưu ý gì cho các chị em trước khi bước vào một ca nâng mũi, sửa mũi?
- Với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, tôi mong các bạn luôn có ý thức tìm hiểu thông tin kiến thức liên quan đến dịch vụ mà các bạn muốn làm, nghe tư vấn nhiều nơi rồi mới quyết định, chọn bác sĩ giỏi sẽ đảm bảo an toàn hơn. Bởi khi can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ sẽ có những tỷ lệ rủi ro ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, nên thật cẩn thận, đừng qua loa.